Mối quan hệ độc hại (Toxic Relationship) không phải một định nghĩa mới và kiểu mối quan hệ này cũng xuất hiện rất thường xuyên trong cuộc sống nhưng lại rất khó xác định vì những “triệu chứng” không hề rõ rệt.
Thế nào là một mối quan hệ độc hại?
Mối quan hệ ở đây không nhất thiết là quan hệ tình yêu mà có thể là tình bạn, đồng nghiệp, gia đình. Điều khiến bạn khó phát hiện mình đang ở trong mối quan hệ độc hại là bởi người đó đã gây dựng được một lòng tin nhất định với bạn, bạn và người đó đã có khoảng thời gian dài với nhau nên khi dấu hiệu xuất hiện, bạn có thể bỏ qua hay nghĩ rằng “nhưng dù sao họ vẫn là người tốt mà”, “họ không cố ý đâu”
Các dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại
1. Cô lập đối phương
Một ví dụ thường thấy của một mối quan hệ độc hại là hai người yêu nhau, bạn nam không cho bạn nữ đi chơi cùng bạn bè rồi dần dần cô lập bạn nữ, khiến bạn nữ hoàn toàn phụ thuộc vào bạn nam.
Nhưng thực tế sẽ không xảy ra theo cách “giấy trắng mực đen” như thế, nam có thể bắt đầu chỉ ra những điều bạn không thích về bạn bè của nữ. “A hay hút thuốc nhỉ” hay “B hay đi chơi về muộn quá ha” theo thời gian sẽ tích tụ lại và dần khiến nữ nghĩ xấu về bạn bè mình, tự tách ra và càng phụ thuộc vào nam hơn.
Có thể bạn nghĩ rằng bạn sẽ đủ tỉnh táo để nhận ra những dấu hiệu này nhưng trên thực tế, bạn sẽ có xu hướng bình thường hóa mọi hành vi từ những người bạn tin tưởng.
2. Khiến bạn cảm thấy tội lỗi
Thay vì lời đe dọa rõ ràng như “Nếu em bỏ anh, anh sẽ không để em yên” thì đối phương sẽ khiến bạn có cảm giác tội lỗi và phải chịu trách nhiệm với họ “Nếu em bỏ anh, anh sẽ không thiết sống nữa”.
Và một lần nữa, thật khó để bạn nhận ra đây là một mối quan hệ độc hại vì bạn quan tâm đến đối phương và không muốn họ bị tổn thương.
3. Đổ lỗi cho bạn
Khi cả hai gặp vấn đề hoặc ngay cả khi vấn đề đến từ phía đối phương, mọi tội lỗi thuộc về bạn, bạn phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề.
Đây là dấu hiệu dễ nhận ra nhất cũng khiến bạn mệt mỏi và kiệt quệ năng lượng nhất khi cứ phải đi thu dọn đống đổ nát của người khác.
4. Đối phương cố kiểm soát bạn
Đối phương có thói quen theo dõi điện thoại và các tài khoản xã hội của bạn, kiểm soát mọi tin nhắn, cuộc gọi, mọi cảm xúc của bạn. Ban đầu, nửa kia có thể lấy cớ vì yêu bạn, vì “ghen” nhưng nó sẽ trở thành sự chiếm hữu và hoang tưởng.
5. Đối phương coi nhẹ cảm xúc của bạn
Khi bạn gặp vấn đề và cảm thấy khó chịu, tức giận hay buồn bã, đối phương sẽ cố gắng khiến bạn cảm thấy bạn đang làm quá lên và cần phải nhanh nhanh chóng chóng vượt qua nó. Chẳng hạn khi bạn tức giận khi A làm xước xe bạn. Thay vì tỏ ra có lỗi và nhận trách nhiệm, bạn A lại nói rằng “Có cái gì đâu, tao cũng làm xước xe tao suốt mà”.
6. Trả lời những câu hỏi sau:
Bạn không muốn trả lời tin nhắn hay nhận cuộc gọi của người kia?
Bạn “mua bực vào người” mỗi lần đi chơi với người kia?
Đối phương có đe dọa bạn hay đe dọa sẽ làm hại bản thân họ không?
Bạn cảm thấy không thể tự quyết định nếu thiếu họ?
Họ lợi dụng bạn về vật chất?
Họ nói xấu sau lưng bạn?
Lúc nào bạn cũng phải dè chừng với cảm xúc của họ?
Nếu bạn trả lời Có hơn một lần thì bạn nên cân nhắc có nên tiếp tục với mối quan hệ này không
Thi thoảng nếu cảm thấy mệt mỏi về mặt cảm xúc hay thể chất trong một mối quan hệ, hãy dừng lại và nhìn nhận một cách khách quan xem đó có phải là một mối quan hệ độc hại không.
Nguồn tham khảo: https://www.youtube.com/watch?v=4H9jTQKmR3Q&fbclid=IwAR2MFglT_dlNJx3ypdwDG-z3rt2xsl-nBHC9LPOL2p_Qd2mVUQSHX9u4kDY
Bình luận