top of page
Ảnh của tác giảWeGrow Vietnam

KỈ LUẬT TÍCH CỰC TRONG NUÔI DẠY CON CÁI


Là cha mẹ, ai trong số chúng ta cũng có lúc chật vật, khó khăn trong việc tìm ra cách tốt nhất để kỷ luật con cái. Thật khó để tìm ra phương pháp dạy con nghiêm khắc nhưng không phải quát mắng hay bạo lực thể chất. Không có trẻ em hư, chỉ có hành vi xấu. Chúng ta hoàn toàn có thể dạy con bằng phương pháp khoa học là “Kỷ luật tích cực”.




NỘI DUNG CHÍNH

I. Tại sao không nên đánh hay mắng con

II. Bản chất của kỷ luật tích cực?

III. Kỷ luật tích cực là gì?

IV. Làm thế nào để dạy con bằng kỷ luật tích cực?

4.1. Dành những khoảng thời gian “chất lượng” cho con

4.2. Đặt kỳ vọng về con phù hợp

4.3. Khen ngợi phẩm chất của trẻ

4.4. Để con được lên tiếng trong gia đình

V. Lời cuối


I. TẠI SAO KHÔNG NÊN ĐÁNH HAY MẮNG CON


Các phụ huynh thường hay bảo “tức quá không kiềm chế được”, “đánh để nó chừa”. Tuy nhiên, quát mắng hay đánh con không những không có tác dụng mà còn gây nhiều hậu quả về lâu dài kéo dài suốt cuộc đời của trẻ. Nhiều chuyên gia đã chứng minh những hành động thể hiện sự “căng thẳng độc hại” liên tục có thể dẫn đến một loạt hậu quả như xác suất bỏ học, mắc bệnh trầm cảm, sử dụng ma túy, tự tử và mắc bệnh tim cao hơn. Giáo sư Lucie Cluver, Giảng viên Công tác xã hội với Trẻ em và Gia đình tại Đại học Oxford đã chia sẻ rằng “Cha mẹ không hề muốn quát mắng hay đánh con. Chúng ta làm vậy vì chúng ta quá căng thẳng và không thấy còn cách nào khác”. Ngoài ra, những hành vi độc hại của cha mẹ tỉ lệ thuận với mức độ những cơ chế đối phó từ phía con trẻ.


Theo Tiến sĩ Thomas Gordon, các mức độ đối phó của trẻ như sau:

  • Nổi loạn, chống trả, thách thức

  • Trả đũa

  • Nói dối, lén lút, che giấu cảm xúc

  • Đổ lỗi cho người khác, mách lẻo

  • Gian lận, sao chép, đạo văn

  • Ức hiếp, chỉ huy, sai bảo

  • Cần phải thắng, ghét phải thua

  • Tổ chức, thành lập liên minh

  • Cam chịu, tuân theo, phục tùng

  • Bợ đỡ

  • Tuân thủ, không dám mạo hiểm, không dám thử cái mới

  • Rút lui, từ bỏ, mộng tưởng, thoái lui


Ở mức độ cao nhất, con trẻ có những biểu hiện như: mơ giữa ban ngày, ảo tưởng; thu mình, thụ động, thờ ơ, đơn độc, không sẵn sàng hoặc không có khả năng thiết lập những mối quan hệ ngang hàng; sợ đến trường học; những bệnh căng thẳng thần kinh như sốt, đau nửa đầu, đau dạ dày; sử dụng chất gây nghiện; ăn uống không kiểm soát; trầm cảm, có xu hướng tự tử.


Quát mắng hay đánh con có thể gây nhiều hậu quả về lâu dài kéo dài suốt cuộc đời của trẻ



II. BẢN CHẤT CỦA KỶ LUẬT TÍCH CỰC?


Kỷ luật tích cực được dựa trên các quyền của trẻ em để cho trẻ em được phát triển lành mạnh, bảo vệ khỏi bạo lực và tham gia các hoạt động học tập.

Chúng ta cần hiểu rằng mọi người đều có quyền cơ bản. Những quyền này áp dụng cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, tư tưởng, nguồn gốc, sự giàu có, hoàn cảnh xuất thân hay khả năng. Không chỉ người lớn mới có quyền con người – trẻ em cũng có. Nhưng vì trẻ em còn nhỏ và phải sống phụ thuộc vào người lớn cho nên nhiều người lớn không cho rằng trẻ em có đầy đủ các quyền của con người. Năm 1989, các nhà lãnh đạo thế giới đã phê chuẩn công ước trong đó đề ra các quyền cơ bản của trẻ em. Đảm bảo tất cả mọi người trên thế giới biết rằng, trẻ em cũng có những quyền công dân. Công ước về Quyền trẻ em đã được phê duyệt ở hầu hết tất cả các nước trên thế giới. Bất kỳ quốc gia nào phê chuẩn hiệp ước này đều phải cam kết bảo đảm rằng quyền của trẻ em luôn luôn được bảo vệ.


Công ước quyền trẻ em có nội dung như sau:

  • Quyền được sống

  • Quyền được phát triển

  • Quyền được bảo vệ

  • Quyền tham gia


Công ước về Quyền trẻ em đã được phê duyệt ở hầu hết tất cả các nước trên thế giới.


Kỷ luật tích cực là không bạo lực và tôn trọng trẻ em như một người học. Nó là một phương pháp giảng dạy để giúp trẻ thành công, cung cấp cho trẻ thông tin và hỗ trợ sự phát triển của trẻ.


Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng kỷ luật chính là quát tháo và đánh đập. Nhưng kỷ luật thực sự có nghĩa là giảng dạy. Giảng dạy dựa trên việc thiết lập những mục tiêu cho việc học tập, việc lập kế hoạch và tìm giải pháp tiếp cận hiệu quả.


III. KỶ LUẬT TÍCH CỰC LÀ GÌ?


Kỷ luật tích cực đã kết hợp các vấn đề dưới đây: những điều chúng ta biết về sự phát triển lành mạnh của trẻ; các phát hiện từ nghiên cứu khoa học về làm cha mẹ hiệu quả.






Một số hành vi biểu hiện cho phương pháp kỷ luật tích cực là:

  • Dạy con dựa trên sự tôn trọng, bao dung, lắng nghe

  • Giao tiếp rõ ràng, tích cực về những kỳ vọng, nguyên tắc, những giới hạn của con trẻ

  • Tôn trọng ý kiến, cá tính, tính cách của con

  • Dạy con những kỹ năng sống cho sự phát triển dài hạn: giao tiếp, xử lý tình huống, tư duy phản biện….

  • Dạy con về sự tự tin thực chất


IV. LÀM THẾ NÀO ĐỂ DẠY CON BẰNG KỶ LUẬT TÍCH CỰC?


4.1. Dành những khoảng thời gian “chất lượng” cho con


Một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên là thời gian. Thời gian cha mẹ thực sự tập trung vào con, tránh xa các thiết bị tivi, điện thoại. Cha mẹ có thể kết hợp với các hoạt động thường ngày: tập thể dục cùng con, nấu ăn cùng con, dọn nhà cùng con, ....


Dành những khoảng thời gian “chất lượng” cho con

4.2. Đặt kỳ vọng về con phù hợp


Ba mẹ không nên bắt ép một bạn nhỏ có trí thông minh âm nhạc, nghệ thuật học giỏi xuất sắc toán hay kinh tế hay một bạn nhỏ hướng nội phải sôi nổi, hoạt bát, gặp ai cũng nói chuyện tươi cười vui vẻ.

Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh, lợi thế và tiềm năng phát triển riêng. Hãy cho phép các con được va vấp, để con tự đứng dậy và cho con nếm mùi thất bại. Con cần được ba mẹ buông để trưởng thành.

Ngoài ra, trong giao tiếp hàng ngày, nói với con chính xác những thứ ba mẹ muốn con làm sẽ hiệu quả hơn là nói với con KHÔNG ĐƯỢC LÀM GÌ.

  • Thay vì nói “Con không được bừa bộn” thì hãy nói “Sau khi chơi xong đồ chơi, con hãy cho đồ chơi vào tủ nhé”

  • Thay vì nói “Con không được muộn giờ” thì hãy nói “Mỗi ngày con nên đặt chuông báo thức để dậy và đi học đúng giờ nhé”

  • Thay vì nói “Con không được học dốt” thì hãy nói “Mẹ sẽ cùng con ôn tập môn Tiếng Anh để kỳ sau mình tiến bộ hơn nhé”


Đặt kỳ vọng về con phù hợp


4.3. Khen ngợi phẩm chất của trẻ


Ba mẹ chúng ta thường chú ý và chỉ ra những hành vi xấu của con mình. Trẻ có thể coi đây là một cách để thu hút sự chú ý và tiếp tục tái diễn những biểu hiện xấu đó thay vì dừng lại. Ngược lại, càng được khen thì con trẻ càng phát huy những hành vi tích cực.

Ví dụ:

  • Khi con dọn phòng, hãy khen con “trách nhiệm, trưởng thành”

  • Khi con cùng ba mẹ chuẩn bị mâm cơm, hãy khen con “tử tế, trách nhiệm”

  • Khi con nói về lỗi lầm của mình, hãy khen con “dũng cảm, trưởng thành”


Khen ngợi phẩm chất của trẻ


4.4. Để con được lên tiếng trong gia đình


Điều này sẽ khiến con cảm thấy bản thân được tôn trọng và công nhận. Có thể đơn giản là ba mẹ hỏi con muốn ăn món ăn gì? Con muốn làm việc nhà vào thời gian nào? Con muốn được trang trí phòng như thế nào? Con có giải pháp nào để mình học tốt Tiếng Anh hơn…..


Để con được lên tiếng trong gia đình


V. LỜI CUỐI


Làm cha mẹ là hành trình dài cần rất nhiều sự nỗ lực, dũng cảm và kiên nhẫn. Đặc biệt, khi áp dụng kỷ luật tích cực, cha mẹ cần học hỏi thường xuyên, luyện tập và áp dụng. Việc áp dụng kỷ luật tích cực sẽ góp phần sự phát triển toàn diện của con. Từ đó, sự công nhận phẩm cách vốn có cũng như các quyền bình đẳng và không thể tước đoạt được của mọi thành viên trong gia đình nói riêng, cộng đồng nói chung là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.


573 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page